Việt Nam - Thụy Điển tăng cường hợp tác logistics, thúc đẩy vận tải xanh
Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các cảng biển, cửa khẩu, thị trường giao nhận, chuyển phát, kho bãi, bất động sản, doanh nghiệp logistics mới nhất (6 tháng đầu năm 2025 và dự báo), VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY
-----
Tuyến vận tải biển trực tiếp giữa cảng Gothenburg (Thụy Điển) và TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) hứa hẹn mở ra chương mới trong hợp tác logistics giữa hai quốc gia.
Cú hích chiến lược từ tuyến vận tải biển trực tiếp
Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng chú trọng đến sự hiệu quả và bền vững của chuỗi cung ứng, Việt Nam và Thụy Điển đang từng bước tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực logistics. Một điểm nhấn đáng chú ý trong tiến trình này là việc cảng Gothenburg - cảng biển lớn nhất Thụy Điển và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh) của Việt Nam đang chuẩn bị hợp tác, hướng tới thiết lập tuyến vận tải biển trực tiếp giữa hai quốc gia.
Theo ông Richard Mellgren, Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh của Cảng Gothenburg, đây là bước đi chiến lược không chỉ đối với quan hệ thương mại song phương, mà còn mở ra cánh cửa lớn hơn cho Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Âu và EU. “Trong thập kỷ qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển đã tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 2015 - 2024, xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Điển tăng 37%, còn hàng hóa từ Thụy Điển sang Việt Nam tính theo tấn tăng tới 127%. Những con số này là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng hợp tác sâu rộng giữa hai bên”, ông nhấn mạnh.
Tuyến vận tải trực tiếp Gothenburg - Vũng Tàu sẽ loại bỏ nhu cầu trung chuyển qua các cảng trung gian tại châu Á hoặc châu Âu, cho phép hàng hóa đi thẳng một mạch trên cùng một tàu. Đây là yếu tố quyết định giúp nâng cao tính tin cậy của chuỗi cung ứng, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và đặc biệt quan trọng với các ngành sản xuất cần thời gian giao hàng chính xác.
“Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn từ các hãng vận tải container hàng đầu thế giới như MSC đối với tuyến vận tải này. Điều đó cho thấy tiềm năng hiện thực hóa là rất lớn”, ông Richard Mellgren cho biết thêm.
Ngoài tuyến vận tải biển, mạng lưới vận tải đường sắt xuyên quốc gia - Railport Scandinavia cũng là “át chủ bài” được cảng Gothenburg giới thiệu đến các doanh nghiệp Việt Nam như một lợi thế chiến lược khi tiếp cận thị trường nội địa Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.
Theo ông Richard Mellgren, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển xanh, Railport Scandinavia là lựa chọn vận chuyển lý tưởng: “Chúng tôi có thể vận hành tàu hàng bằng điện tái tạo. Mỗi chuyến tàu chở 40-44 container, giúp thay thế hàng chục xe tải, giảm phát thải, tắc nghẽn giao thông và tiếng ồn. Ngoài ra, việc chạy tàu ban đêm còn giúp tối ưu hạ tầng đường sắt và cân bằng giữa vận tải hàng hóa và hành khách”, ông Richard Mellgren chia sẻ.
Không chỉ là một mạng lưới vận tải, Railport Scandinavia còn là lời cam kết về một chuỗi cung ứng bền vững - yếu tố ngày càng được người tiêu dùng và đối tác quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tiêu dùng nhanh, thực phẩm, dệt may…
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Vietnam International Sourcing Fair năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, sự hiện diện của Cảng Gothenburg đã trở thành nhịp cầu quan trọng thúc đẩy kết nối logistics và thương mại. “Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều chủ hàng, hãng tàu, công ty giao nhận và các hiệp hội logistics tại Việt Nam. Đó là cơ hội tuyệt vời để mở rộng dịch vụ và nâng cao hiểu biết thị trường,” ông Mellgren chia sẻ.
Logistics xanh và số hóa: “Chìa khóa” phát triển bền vững
Không dừng lại ở việc xây dựng tuyến vận tải hay mạng lưới đường sắt hiện đại, Cảng Gothenburg còn nổi bật với loạt sáng kiến về logistics xanh và số hóa tiên phong. Đây là những mô hình có thể nhân rộng tại Việt Nam trong tương lai gần, trong bối cảnh nước ta đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Từ năm 2001, cảng Gothenburg đã triển khai hệ thống cấp điện bờ (OPS) cho phép tàu thuyền cập cảng sử dụng điện thay vì đốt nhiên liệu - một bước tiến quan trọng giúp giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí. Gần đây, sáng kiến này tiếp tục được mở rộng với dự án Green Cable, cung cấp điện an toàn và thân thiện môi trường cho tàu chở nhiên liệu - một hướng đi đột phá, đang được xem xét làm tiêu chuẩn toàn cầu.
Bên cạnh đó, vào tháng 5 vừa qua, cảng Gothenburg đã thí điểm sử dụng máy phát điện chạy bằng hydro cho tàu neo đậu, mở ra triển vọng thay thế OPS tại những khu vực chưa đủ điều kiện hạ tầng. Đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành vận tải biển toàn cầu.
“Đến với hội chợ Vietnam International Sourcing Fair năm nay, chúng tôi mong muốn truyền đi thông điệp về một tương lai logistics thông minh và xanh hơn. Dù quý vị là chủ hàng, công ty logistics hay nhà đầu tư, Cảng Gothenburg luôn sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy trong hành trình kết nối với thị trường Bắc Âu”, ông Richard Mellgren khẳng định.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực logistics đang bước vào giai đoạn tăng tốc với những sáng kiến và dự án cụ thể. Trong năm 2024, Cảng Gothenburg đã ký kết với Sở Công Thương Hải Phòng và Tân Cảng Sài Gòn nhằm tăng cường hợp tác logistics.
Năm 2025, Cảng Gothenburg tiếp tục tham dự sự kiện Vietnam International Sourcing Fair 2025, được tổ chức từ ngày 04 đến 06/9/2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Richard Mellgren cho rằng, tại sự kiện này, việc gặp gỡ trực tiếp với các chủ hàng, hãng tàu, công ty giao nhận, hiệp hội logistics và các bên liên quan khác mang lại cho Cảng Gothenburg nhiều thông tin giá trị. Những cuộc trao đổi này không chỉ giúp nâng cao hiểu biết thị trường mà còn giúp Cảng Gothenburg phát triển thêm danh mục dịch vụ và mở rộng năng lực phục vụ của mình. Vietnam International Sourcing Fair là một nền tảng hiệu quả, nơi mang lại nhiều cơ hội học hỏi và kết nối chiến lược mới.
(3) Nghiên cứu thị trường năng lượng, xăng dầu, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(4) Thông tin thị trường M&A thế giới và Việt Nam, vui lòng xem TẠI ĐÂY
(5) Phân tích biến động các chỉ tiêu logistics của Việt Nam giai đoạn 2017-2023, so sánh với kế hoạch và dự báo, vui lòng xem TẠI ĐÂY