Việt Nam - Cuba: Cơ hội hợp tác phát triển hàng không, hàng hải
Chiều ngày 24/10/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tiếp và làm việc với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Antonio Carricarte Corona về tiềm năng hợp tác hai bên lĩnh vực hàng không.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Antonio Carricarte Corona cho biết, kế hoạch phát triển giai đoạn tới của Cuba sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông, tập trung ở những lĩnh vực có thể tăng trưởng vận tải tốt như hàng không, cảng biển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế du lịch của Cuba hiện khá tốt, dự kiến năm 2019 đón khoảng 5 triệu lượt khách. Trong khi đó, đường vận tải khách du lịch chủ yếu là đường biển, vì vậy Cuba mong muốn phát triển vận tải hàng không để phục vụ khách du lịch. Cùng đó, Cuba sẽ đầu tư phát triển cảng biển với mục tiêu đưa Cuba thành trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực.
Ông Antonio Carricarte Corona bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, hợp tác lĩnh vực vận tải hàng không, đường biển cũng như khai thác sân bay, cảng biển. Đồng thời, ông cũng đề nghị, Bộ GTVT Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Cuba như Công ty Dinvai tiếp tục tham gia, hợp tác các công trình, dự án giao thông của Việt Nam như dự án đường Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp Cuba hoạt động tại Việt Nam đang thực hiện các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện tham gia các công trình, dự án xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chào đón đoàn công tác Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao quan hệ hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam và Cuba trong thời gian qua. Tuy nhiên, do khoảng cách về địa lý, hợp tác GTVT giữa hai nước vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Những năm gần đây, lực lượng chuyên gia của Cuba đã tham gia các dự án đường bộ Việt Nam với vai trò tư vấn giám sát và khẳng định được uy tín, năng lực, kinh nghiệm trên các công trình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Cuba cần đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam để tham gia đấu thầu các hạng mục công trình, dự án xây dựng cơ bản. Bộ GTVT luôn ủng hộ và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Cuba tham gia sau khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Riêng hợp tác lĩnh vực hàng không, hàng hải, Thứ trưởng Đông cho biết, Bộ GTVT VN sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với phía Cuba thực hiện các quy định pháp luật hai nước và quốc tế để có được kết quả hợp tác cụ thể, đây sẽ là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển hợp tác hai bên nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Cuba trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy phát triển hợp tác hai bên ở các lĩnh vực này, nhất là vận tải và khai thác cảng.
Năm 2017, nền kinh tế Cuba đã tăng trưởng 1,6%, bất chấp nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính, cộng với những thiệt hại do cơn bão Irma gây ra và tình trạng hạn hán kéo dài. Trong đó du lịch, vận tải và viễn thông, nông nghiệp và xây dựng là những ngành đóng góp lớn vào sự gia tăng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đặc biệt ở lĩnh vực du lịch, trong năm 2017, bất chấp việc chính quyền Mỹ Dolnald Trump siết chặt các quy định về đi lại, ngành du lịch của Cuba vẫn đón hơn 4,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó số khách đến với khu nghỉ dưỡng biển nổi tiếng Varadero đạt kỷ lục 1,7 triệu lượt.
Du lịch hiện là lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho Cuba, với doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm. Dự kiến năm 2018, Cuba ước đón 5 triệu khách du lịch quốc tế.
Với mục tiêu cập nhật mô hình chủ nghĩa xã hội ở hòn đảo tự do, nhà lãnh đạo Raul Castro đã triển khai một loạt thay đổi mà người ta không bao giờ nghĩ tới trước đó: Mở cửa cho lĩnh vực tư nhân trong một nền kinh tế tập trung, thu hút đầu tư nước ngoài thay vì quốc hữu hóa các công ty hay giao đất hoang hóa cho nông dân khai thác.
Năm 2010, thành phần tự doanh được mở rộng ra hơn 200 ngành nghề, giúp cho nền kinh tế quốc đảo này trở nên năng động hơn với nhiều cửa hàng kinh doanh tư nhân thuộc đủ mọi lĩnh vực, từ quán cà phê, nhà hàng, nhà nghỉ, tiệm làm đẹp cho tới các phòng tập gym.
Một mục tiêu nữa của việc mở cửa cho thành phần tư nhân là nhằm hỗ trợ chương trình cắt giảm biên chế tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Không ít người từng làm trong biên chế nhà nước đã quyết định lập nghiệp bằng việc làm các nghề tự do, được cho là đem lại thu nhập tốt hơn so với mức lương trung bình khoảng 20 USD/tháng mà họ nhận được tại cơ quan nhà nước.
Việc xuất hiện một thành phần trung lưu mới từ lĩnh vực tư nhân, vào khoảng hơn nửa triệu người, cũng giúp nền kinh tế Cuba trở nên năng động hơn sau nhiều thập kỷ thực thi mô hình kinh tế tập trung.
Bên cạnh đó, một thay đổi đáng chú ý khác trong mô hình cải cách theo chủ trương của ông Raul Castro là việc mở cửa nền kinh tế cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với việc chính phủ thông qua Luật đầu tư nước ngoài năm 2014 hay dự án thành lập Đặc khu phát triển Mariel.
Cuba có vị trí địa lý lý tưởng để thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa trực tiếp mà không cần phải lưu kho (cross-docking), hay tái phân loại và phân phối hàng hóa từ các tàu vận tải biển cỡ lớn, đặc biệt là các tàu từ châu Á, sang các tàu có tải trọng nhỏ hơn để tới các cảng biển của Mỹ không có khả năng tiếp nhận tàu lớn.
VITIC tổng hợp