Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

Thách thức lớn với e-logistics khi thương mại điện tử bùng nổ

11/10/2023 13:58
Mua sắm trực tuyến bùng nổ đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành logistics điện tử (e-logistics), vốn đang phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực hiện đơn hàng và giao hàng chặng cuối.

Thương mại điện tử bùng nổ

Trong những năm gần đây, khẩu hiệu “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu” được nhắc tới nhiều. Trong đó, việc mở rộng thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, bởi việc này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng thông qua việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn ở mức ấn tượng. Cụ thể, năm 2021 - 2022, tăng trưởng thương mại điện tử ở nước ta vẫn đạt mức 18 - 20%/năm. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 15 - 18%/năm.

“Điều đó cho thấy, đây là một xu hướng đã thay đổi nhận thức và nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng”, ông Kiên khẳng định.

Chia sẻ tại Diễn đàn Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn, do Báo Đầu tư vừa tổ chức, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của chuyển đổi số trong thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trước đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cũng thông tin, đang có sự dịch chuyển rõ rệt về nhu cầu mua sắm trong những năm gần đây tại thị trường Việt Nam. Theo đó, thay vì chờ đợi đến dịp lễ hội cuối năm, người dùng có xu hướng chi tiêu theo nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Thay đổi để thích ứng

Số liệu mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Điều này thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về các dịch vụ e-logistics, bao gồm cả dịch vụ chuyển phát nhanh. Các doanh nghiệp mảng giao vận cũng đang lao vào cuộc đua ngày càng khốc liệt.Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, các đơn vị giao vận phải đối mặt với thách thức về tăng cường hiệu suất và giảm chi phí giao hàng. Khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển trong thương mại điện tử đến từ giao hàng chặng cuối.

- TS. Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng) 

Chẳng hạn, các thương hiệu ngoại như J&T Express, Best Express, Kerry Express... dù tới sau, nhưng đã nhanh chóng mở rộng thị trường bằng mô hình nhượng quyền, đầu tư gián tiếp, giảm giá vận chuyển, thậm chí áp dụng cước phí vận chuyển 0 đồng để giành thị phần.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp như Giao hàng tiết kiệm, Nhất Tín Logistics, Giao hàng nhanh... không có thế mạnh về mạng lưới, nên phải hợp tác với các công ty truyền thống để thực hiện các đơn hàng liên thành phố hoặc tại khu vực nông thôn, làm cho giá các đơn hàng cao hơn, giảm hiệu quả cạnh tranh về chi phí.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho biết, giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) đóng vai trò quan trọng trong thương mại điện tử, chiếm khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển và có thể tới 53% trong trường hợp giao hàng theo yêu cầu (on-demand). Điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm của 97% người mua sắm trực tuyến. Hiệu quả và sự tin tin cậy trong giao hàng chặng cuối không chỉ là yếu tố quyết định sự hài lòng của khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận và danh tiếng của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

“Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, các đơn vị giao vận phải đối mặt với thách thức về tăng cường hiệu suất và giảm chi phí giao hàng. Khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển trong thương mại điện tử đến từ giao hàng chặng cuối”, TS. Đặng Thanh Tuấn nói.

Nhận biết được những khó khăn kéo dài trong logistics giao hàng chặng cuối ở một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái logistics của Việt Nam đang rục rịch phát triển công nghệ mới. Đồng thời, các doanh nghiệp này đưa ra các giải pháp giao hàng chặng cuối sáng tạo để tăng khối lượng hàng hóa, đẩy nhanh quá trình giao hàng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, nhằm phá cục diện tương đối bế tắc, đơn vị đã xây dựng lại hạ tầng mạng lưới cả phần cứng và phần mềm, quy trình vận hành, khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất. Thách thức lớn nhất là phải tối ưu được chi phí trên từng đơn hàng.

Trong khi đó, VNPost gấp rút thành lập Ủy ban Ứng phó với các vấn đề khẩn và quan trọng đối với các hoạt động của Tổng công ty, nhằm tìm ra các điểm “nghẽn” trên mạng lưới về các trục kinh doanh, công nghệ, cơ chế; báo cáo Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, các ban chức năng và các đơn vị trên mạng lưới để tổ chức giải quyết các vấn đề.

VNPost cũng khẩn trương tối ưu hóa hệ thống công nghệ, tăng năng suất lao động; tăng khả năng khớp nối, nâng cao hiệu quả triển khai của các tuyến đường thư, nâng cao chất lượng, cải thiện các ứng dụng theo hướng tiện dụng, hiệu quả; hỗ trợ tích cực công tác quản trị, quản lý và điều hành toàn mạng lưới; tích cực tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí, xây dựng cơ chế hợp lý để phát triển dịch vụ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, để đáp ứng tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam, bên cạnh việc đầu tư cho công nghệ, cũng cần tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.

Dự báo từ năm 2021 đến 2025, ngành logistics tại Việt Nam cần khoảng 200.000 lao động, tăng 12% so với năm 2020. Các công ty logistics cần hợp tác với các trường đại học và tổ chức đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư vào chương trình đào tạo và tạo điều kiện thu hút và giữ chân những nhân viên chuyên nghiệp là chìa khóa để vượt qua thách thức hiện nay.

Link gốc

THÔNG TIN THAM KHẢO LĨNH VỰC LOGITICS VÀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI:


(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 8
Số người truy cập: 4.376.957
Chung nhan Tin Nhiem Mang